Đối với Viêt y cổ truyền Sởi là loại bệnh Phong nhiệt. Lý sự về bệnh học không được “uyên bác” như Tây y mà chỉ là quan sát diễn biến của bệnh từ lâu đời rồi đúc kết lại. Tuy nhiên, Việt y lại có thuốc chữa đặc hiệu cho từng gia đoạn phát bệnh. Nếu tuân thủ đúng và đủ phác đồ điều trị của Việt Y cổ truyền thì bệnh Sởi không thể biến chứng như Tây Y công bố.
Theo kinh nghiệm cổ xưa các sách xưa: Sởi thường được gọi tên là “Ma chẩn”. “Ma” là tên gọi hạt vừng, người xưa quan sát thấy bệnh nổi ban đó từng hạt li ti như hạt vừng nên gọi tên như thế. Ma chẩn thuộc loại Hỏa, vì vậy thường phát bệnh ở vùng đầu mặt trước. Trẻ nhỏ từ 1 - 5 tuổi dễ bị bệnh, dưới 1 năm thường hay bị nhiều nhất. Trẻ sơ sinh dưới 5 tháng không mắc bệnh nếu người mẹ đã bị lên sởi. Bệnh có thể lây lan thành dịch. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa cuối Xuân đầu Hạ.
Bệnh tiến triển qua ba thời kỳ:
- Thời kỳ khởi phát (từ khi phát nóng đến ngày sởi mọc khoảng 3 - 5 ngày).
Bắt đầu ho, phát sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, mỏi mệt, buồn ngủ, thân nhiệt cao dần, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, đồng thời ăn kém, ỉa chảy phân loãng.
- Thời kỳ sởi mọc (kể từ khi mới mọc đến khi sởi mọc đều khắp người ước độ 3 ngày).
Thời kỳ này các triệu chứng lâm sàng lúc sởi mọc nặng thêm nóng dữ dội hơn, buồn phiền khát nước, ho suyễn nặng thêm, tiêu chảy, màu sởi đỏ sẫm, rêu lưỡi vàng nhớt, chất lưỡi đỏ, nặng hơn nữa thì lưỡi khô.
- Thời kỳ sởi bay (kể từ khi sởi mọc đến khi sởi lặn hết độ 3 ngày).
Nếu bệnh nhi bình thường, không có kèm triệu chứng gì khác sau khi sởi mọc 3 ngày, bắt đầu sởi lặn, nóng sốt cũng lui theo, các triệu chứng cũng hết. Nếu lúc này mà bệnh nhi có xuất hiện những hiện tượng như: gò má đỏ, nóng cơn, ho ít đờm, ra mồ hôi trộm, rêu lưỡi nhuận, sáng, chất lưỡi đỏ mà khô, mạch tế sác đó là nhiệt độc của sởi còn sót lại làm cho hao tổn tân dịch của phổ và dạ dày.
- Sởi biến chứng: Bệnh sởi do các nguyên nhân không giống nhau, có khả năng phát sinh các loại biến chứng khác nhau như phong tà, hoả độc, thực tích, đờm thấp... quá mạnh đều khiến sởi bế lại (vít) không mọc ra được, xuất hiện tình trạng đang mọc mà không mọc, xuất hiện chứng nghịch hoặc nguy hiểm như sởi mọc không thấu hoặc bay đi quá nhanh...
+ Do phong tà làm vít lấp, có các chứng sợ lạnh phát sốt, tắc mũi, thở thô, sắc mặt hơi xanh, chân tay lạnh, đại tiện trong loãng, tiểu tiện ngắn ít, khát nước, không có mồ hôi, mạch phù khẩn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng.
Bài thuốc: Kinh giới 12g, bạc hà 4g, tiền hồ 8g, thăng ma 8g, ngưu bàng 12g, phòng phong 12g, khương hoạt 4g, cát căn 8g, đạm đậu xị 12g, thông bạch 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu chân tay co giật, mắt trắng, tròng ngược, dùng thêm sừng trâu từ 12 - 15g, đập vụn sắc lẫn vào thuốc cho uống ngày 1 thang.
Điều đáng sợ nhất của sởi không phải là nổi ban, mà là các biến chứng.
+ Do ăn uống làm vít lấp, có các chứng sắc mặt hơi vàng, chân tay lười hoạt động, ợ hăng nuốt chua, mình nóng nhiệt khô, mạch hoãn, rêu lưỡi vàng nhớt.
Bài thuốc: Liên kiều 12g, chỉ xác 8g, cát căn 8g, thần khúc 12g, la bặc tử 12g, hoàng cầm 8g, thanh bì 8g, hậu phác 8g, phục linh 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu bụng chướng rắn, ngủ li bì, thở gấp, đại tiện không thông, thêm: Thục địa hoàng 8g, hoàng liên 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
+ Do đờm thấp làm vít lấp, có các chứng đờm rãi đầy miệng, thở gấp phát hen, do đờm không ra, mạch hoạt, rêu lưỡi trắng nhớt.
Dùng bài thuốc: Đình lịch tử 12g, cát cánh 8g, đởm nam tinh 12g, bạch giới tử 8g, cam thảo 4g, qua lâu nhân 8g, liên kiều 12g, la bặc tử 12g, chỉ xác 8g, trúc nhự 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Để phòng sởi cho trẻ em, phải tiêm phòng vaccin sởi cho trẻ khi 9 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi 2 khi trẻ 6 tuổi. Phát hiện bệnh và cách ly sớm với trẻ bị sởi.