Cảnh sát nói về kẽ hở để tội phạm sản xuất ma túy

Chi khoảng 1.000 USD mua nguyên liệu là tân dược, hóa chất… tội phạm có thể điều chế ra 0,6 kg ma túy đá và bán với giá 600 triệu đồng – đại diện Cục C47 Bộ Công an cho biết.

Thượng tá Bùi Đức Thiêm – Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an), cho biết, để sản xuất ra ma túy đá (ma túy tổng hợp), các băng nhóm tội phạm nhất thiết phải có 2 tiền chất quan trọng. Tiền chất này không có bán trên thị trường, được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ.

Trao đổi với Zing.vn, thượng tá Bùi Đức Thiêm – Phó trưởng Phòng 5 (Phòng phòng chống tội phạm về tiền chất và ma túy tổng hợp), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an), cho biết tính đến tháng 6/2017, đơn vị ghi nhận lực lượng công an toàn quốc phát hiện, bắt giữ 26 vụ sản xuất trái phép chất ma túy. Cảnh sát thu giữ tang vật đều là ma túy dạng đá.


Thượng tá Bùi Đức Thiêm. Ảnh: Mạnh Thắng.

Tính đến nay, vụ Công an Long An bắt giữ Lục Gia Khánh (30 tuổi) năm 2012, được ghi nhận là vụ sản xuất trái phép chất ma túy lớn. Đường dây này có 17 người tham gia.

Theo thượng tá Thiêm, Lục Gia Khánh (30 tuổi) mới học hết lớp 8, nhưng đã lên mạng tìm kiếm được công thức và liên kết với một số người sản xuất thành công ma túy đá. Chỉ 11 tháng (từ tháng 7/2011 đến 5/2012) Khánh và đồng bọn đã sản xuất được hơn 100 kg ma túy đá, bán và thu về 116 tỷ đồng.

Theo điều tra, tháng 5/2012, Khánh cùng 4 người trong gia đình bị bắt khi tổ chức sản xuất ma túy đá tại căn biệt thự ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trong vụ án này, Khánh cùng 17 đồng phạm bị cáo buộc sản xuất 100 kg ma túy đá từ 400 thùng thuốc tây.

Hơn một năm sau, anh ta bị TAND tỉnh Long An tuyên tử hình về tội Sản xuất trái phép chất ma túy. TAND Tối cao sau đó xử phúc thẩm giữ nguyên mức án.

Với hy vọng “lấy công chuộc tội”, sau phiên sơ thẩm Khánh khai nhận thêm trước đó đã cùng đồng phạm điều hành đường dây sản xuất ma túy khác ở TP.HCM.

Theo đó, đầu năm 2011, trong thời gian ra Nghệ An kiếm mối mua ma túy mang về TP.HCM bán, anh ta được Trương Ngọc Dương giới thiệu Phạm Đức Lộc (sống ở Hà Nội) biết công thức sản xuất ma túy.

Cả hai sau đó đưa Lộc vào TP.HCM bàn kế hoạch sản xuất hàng cấm. Theo chỉ đạo của Lộc, Khánh và Dương bắt đầu đi mua thuốc tây, dụng cụ, hóa chất… đem về cho Lộc sản xuất ma túy ngay trên sân thượng nhà Khánh ở quận 11. Tổng cộng nhóm này sản xuất được 1,5 kg ma túy đá. Khánh sau đó đem số “hàng” này bán cho Đào Kim Ngọc được 1,2 tỷ đồng chia nhau.

Sau phi vụ này, Khánh, Lộc và Dương tách ra làm riêng. Được Lộc truyền lại công thức, Khánh tự sản xuất thêm 3 kg ma túy và bán cho người tên Phong ở quận Bình Tân với giá 2,4 tỷ đồng.

Số tiền thu được từ việc bán hàng đá, Khánh xuống Long An xây biệt thự kiên cố và lôi kéo cả gia đình gồm bố mẹ, em và vợ vào công việc phi pháp. Đến tháng 5/2012, “đại bản doanh” của anh ta bị cảnh sát ập vào.

Lộc và Dương sau đó móc nối với nhiều người khác tiếp tục sản xuất ma túy cho đồng bọn mang đi bán nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Tách tiền chất ma túy ở Việt Nam rồi gửi ra nước ngoài
Theo thượng tá Bùi Đức Thiêm, để sản xuất ra ma túy đá (ma túy tổng hợp), các băng nhóm tội phạm nhất thiết phải có 2 tiền chất. Những tiền chất này không có bán trên thị trường, được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ.

Canh sat noi ve ke ho de toi pham san xuat ma tuy hinh anh 1

Nguyễn Đức Kỳ Nam (49 tuổi), mắt xích quan trọng trong đường dây sản xuất ma túy lớn vừa bị Công an TP.HCM triệt phá hồi tháng 4 khai lại việc vận hành của mình với cơ quan chức năng. Ảnh: Công an TP.HCM cung cấp.

Tuy nhiên, lợi dụng việc tân dược ở Việt Nam mua bán dễ dàng, tội phạm ma túy đã thu mua và bóc tách 2 tiền chất cơ bản (Pseudoephedrin và Ephedrin) có trong thuốc chữa ho và cảm cúm và dùng để sản xuất ma túy. “Cục C47 phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế thống kê, có khoảng 200 biệt dược có tiền chất như thế” – chỉ huy Phòng 5 nói.

Cục C47 và đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế từng phát hiện một số cá nhân nhập nhiều thuốc chứa tiền chất về Việt Nam rồi lập hồ sơ khống, hóa đơn khống để bán ra thị trường. Tuy nhiên, số thuốc bán đi đâu, cho ai họ không biết. “Tội phạm ma túy có thể đã gom lại để sản xuất ra ma túy tổng hợp” – ông Thiêm nhận định.

Theo thượng tá Thiêm, cứ mỗi một kg tiền chất chính tách chiết được từ thuốc cảm cúm và thuốc ho, kết hợp với một số hóa chất khác, tội phạm có thể điều chế ra 0,6 kg ma túy dạng đá.

Trong khi mỗi một kg tiền chất Pseudoephedrin (PSE) và Ephedrin chỉ có giá vài trăm USD. Cùng với các chất, phụ phẩm khác, để điều chế ra lò 0,6 kg ma túy, tội phạm chỉ tiêu tốn chừng 1.000 USD nguyên liệu.

Trong khi trên thị trường đen, 0,6 kg ma túy đá từ nước ngoài chuyển về Việt Nam sẽ bán với giá 600 triệu đồng. Lợi nhuận từ sản xuất ma túy là cực lớn – ông Thiêm đánh giá.

Đại điện Cục C47 khẳng định, ở Việt Nam chưa ghi ghi nhận thất thoát tiền chất nguyên chất, song thất thoát tiền chất có trong các viên thuốc đã phát hiện từ lâu và chưa được ngăn chặn.

Trong 26 vụ sản xuất ma túy phát hiện, Cục C47 ghi nhận tội phạm đều mua các loại thuốc ho, trị cảm cúm… về nghiền nhỏ rồi trưng cất, tách chiết nhằm thu tiền chất ma túy. “Chúng tôi còn ghi nhận tội phạm tách tiền chất ma túy ở Việt Nam rồi gửi ra nước ngoài để sản xuất” – ông Thiêm nói.

(Theo Công An Nhân Dân)

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức