Chữ Việt cổ - chữ của nền văn minh rực rỡ?

      Thứ chữ Việt cổ mà ông Xuyền giải mã, thực sự là một thứ chữ của một nền văn minh rực rỡ, loại chữ của một dân tộc mà trí tuệ đã đạt đến một đỉnh cao nhất định.

     Tôi phải công nhận rằng, ông giáo già Đỗ Văn Xuyền là người quá yêu dân tộc, ông yêu lịch sử đất nước với một kiểu cách có thể nói là… điên rồ. Mấy chục năm trời công sức và không biết bao nhiêu tiền của, ông đã đổ cả vào những chuyến đi, chỉ với khát vọng chứng minh tổ tiên chúng ta từng có chữ viết. Có những lúc, không tìm đâu ra tiền để đi, ông đã cầm cố cả sổ lương hưu của mình.


Để có tiền đi thực tế, tìm chữ cổ, đã nhiều lần ông Xuyền phải cắm sổ hưu của mình.
 

      Quá trình tìm hiểu lịch sử tổ tiên, ông Xuyền nhận thấy rằng, thời kỳ Hùng Vương là thời kỳ phát triển rực rỡ, đỉnh cao của người Việt cổ. Trước đó rất xa là nền văn hóa Hòa Bình, nền văn hóa mà học giả Colani (người Pháp) đã phát hiện, tuyên bố là “cái nôi của văn minh nhân loại”. Nền văn hóa này xuất hiện trước Lưỡng Hà, Trung Quốc, Ấn Độ tới cả ngàn năm!     Vậy nên, chẳng có gì lạ, khi có lần, đọc tài liệu của một nhà nghiên cứu nói rằng, thời kỳ Vua Hùng, người Việt chẳng qua là một bộ lạc ăn hang ở lỗ, ông đã giận đến rơi nước mắt. Ông Xuyền tin rằng, một bộ lạc sống trong hang, cởi trần, đóng khố, đàn ông đi săn bắn, đàn bà hái lượm, không thể làm ra được những chiếc trống đồng tinh xảo đến độ con người ngày nay không giải thích nổi. Đó phải là sản phẩm của một nền văn minh rực rỡ, có chữ viết và có một nền tảng khoa học tương đối vững chắc.


Bảng so sánh chữ Việt cổ với một số chữ của các dân tộc khác. 

      Sau khi sàng lọc, ông Xuyền tập trung vào loại chữ Việt cổ tượng thanh. Theo ông, đây là loại chữ cuối cùng của người Việt cổ. Mặc dù Sĩ Nhiếp ra sức tiêu diệt loại chữ này, song nó vẫn âm ỉ lưu giữ trong dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.     Qua quá trình thu thập, nghiên cứu chữ cổ của người Việt, ông Xuyền nhận thấy, từ thời kỳ xa xưa, cho đến khi người Hán sang xâm lược, người Việt sử dụng nhiều loại chữ, các loại chữ liên tục phát triển, từ hình vẽ sơ khai, đến tượng hình đơn giản, tượng hình phức tạp và cuối cùng là một loại chữ Việt cổ tượng thanh.

      Hồi nghe tin tỉnh Sơn La tìm được hàng ngàn cuốn sách cổ có ký tự lạ, ông đã tìm lên và ăn dầm ở dề tại Sơn La để tìm hiểu. Mấy nhà nghiên cứu ở Trung tâm Văn hóa người cao tuổi Việt Nam kể rằng, ông Xuyền đã khóc rất to khi thông báo với các nhà nghiên cứu ở đây rằng, những tài liệu tìm được ở Sơn La là một kho chữ Việt cổ.


Người dân vùng dân tộc thiểu số vẫn còn lưu giữ nhiều sách cổ. Trong những cuốn sách cổ này vẫn còn hình bóng chữ Việt thời Hùng Vương.

      Nghiên cứu, tổng hợp các con chữ được ông Xuyền cho là sử dụng ở thời kỳ Hùng Vương, ông thấy rằng, bộ chữ này không có dấu, gồm 47 chữ cái. Bộ chữ thỏa mãn được 3 tiêu chuẩn kiểm tra ký tự của một dân tộc, được các nhà khoa học quốc tế đề ra. Thứ nhất, bộ chữ ghi lại được đầy đủ tiếng nói của dân tộc. Thứ hai, những đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc thể hiện qua các đặc điểm của ký tự đó. Thứ ba, giải quyết được các "nghi án" về ngôn ngữ, ký tự của dân tộc đó trong quá khứ.     Ông Xuyền đã “nhặt” được rất nhiều ký tự rải rác trong những cuốn sách cổ này, mà ông tin chắc đó là chữ cổ của người Việt. Những chữ là này nhìn qua tưởng chữ tượng hình, nhưng thực tế, lại là chữ tượng thanh. Nhiều ký tự trong các cuốn sách dùng để ghi âm tiếng nói của người Việt cổ. Nhiều dân tộc vùng Tây Bắc đã sử dụng, lưu giữ, bảo tồn loại chữ này suốt hàng ngàn năm Bắc thuộc và kéo dài đến khi xuất hiện chữ quốc ngữ, thậm chí đến nay vẫn sử dụng.


Một số nguyên âm chữ Việt cổ!

      Để chứng minh được khả năng “ghi âm” của những ký tự này, ông Xuyền phải đi khắp Việt Nam để thực hiện các cuộc ghi âm, phỏng vấn. Ngay khi nghe tin trong Tây Ninh có tộc người Tà Mun từ Tây Nguyên chuyển về, họ tự nhận là dân tộc Việt, ông đã vào Tây Ninh tìm hiểu. Ông Xuyền tin rằng, tộc người này đúng là người Việt cổ, vì họ nói bằng thứ tiếng Việt cổ hoàn toàn không có dấu.     Có một thực tế, loại ký tự đó chỉ ghi âm được một phần nhỏ ngôn ngữ người Việt hiện đang sử dụng. Nó không ghi được âm vực, vì không có dấu (sắc, hỏi, huyền, ngã…). Nếu loại ngôn ngữ tượng thanh này mà không “ghi âm” được âm thanh, thì sẽ không được thừa nhận hoặc việc giải mã thất bại.


Ông Xuyền viết hai câu thơ bằng chữ Việt cổ.

      Theo một tài liệu của Trung Quốc, thì người gốc Ngô Việt ở Thượng Hải hiện cũng chỉ nói có hai thanh là thanh cao và thanh trầm, tương đối giống với ngôn ngữ người Việt cổ xưa.     Rồi ông vào Quảng Bình, tìm đến dân tộc Chứt. Ông thấy dân tộc này nhuộm răng đen, xăm trán. Họ ăn thịt gà nướng, canh cua đồng nấu măng, phụ nữ đẻ “nằm bếp” như người Kinh thời xưa. Họ tự xưng là người Alak (người Lạc) và tiếng của họ hoàn toàn không có dấu. A cho (chó), A ka (cá), kuan gôi (Con gái), Mơ (mẹ)… Ông Xuyền sử dụng các ký tự Việt cổ có thể ghi lại được toàn bộ ngôn ngữ của dân tộc này.

      Chẳng nói đâu xa, ngay vùng Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất của Hà Nội, người dân vẫn nói không có dấu. Ông Xuyền đã tìm đến nhiều ngôi làng cổ ở Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình… và phát hiện tại những ngôi làng cổ, ít giao lưu với bên ngoài, người dân vẫn nói bằng thứ ngôn ngữ rất nhẹ, không có thanh. Ông Xuyền cũng đọc được nhiều tài liệu của các nhà ngôn ngữ nước ngoài, nhận xét rằng, thế kỷ 16, 17, người Việt Nam nói cứ líu ríu như tiếng chim, chẳng có thanh sắc gì.


Hàng vạn cổ vật tinh xảo thời Hùng Vương được tìm thấy.

      Theo ông Xuyền, chữ tượng thanh là chữ của thời hiện đại, của văn minh, của trí tuệ và nó vượt xa thứ ngôn ngữ tượng hình của Trung Quốc. Theo quan điểm của ông, thứ chữ tượng hình của Trung Quốc là loại chữ lạc hậu, cổ hủ nhất thế giới. Bởi vì, người học phải mất mười năm dùi mài kinh sử, mới nhớ được một lượng chữ nhất định và tất nhiên học cả đời cũng không nhớ hết được mặt chữ. Trong khi đó, với loại chữ tượng thanh của người Việt cổ thời Hùng Vương, chỉ cần chú tâm học 7 đến 10 ngày là có thể viết thành thạo, ghi lại được ngôn ngữ nói.     Từ những phát hiện này, thầy giáo già Đỗ Văn Xuyền tin rằng, ngôn ngữ của người Việt thời Hùng Vương không có thanh, như vậy, phù hợp với các ký tự, chữ viết không có thanh (không có dấu) của người Việt cổ.


Một ông thầy cúng đang dạy chữ Dao cổ ở Bảo Thắng, Lào Cai. 

      Bất cứ thứ chữ nào cũng vậy, đều được cải tiến liên tục cho phù hợp với ngôn ngữ, cuộc sống thay đổi từng ngày, từng giờ. Một thứ chữ nằm im cả ngàn năm, tự dưng lôi ra, ghi âm tiếng nói hiện tại, tất nhiên là khập khiễng. Tuy nhiên, ông Xuyền khẳng định rằng, nếu đặt thứ chữ này vào ngôn ngữ thời xưa, hoặc ở các vùng miền mà người dân vẫn nói giọng cổ, không có dấu, thì nó sẽ phát huy tác dụng một cách gần như tuyệt đối.     Theo ông Xuyền, chữ Việt cổ không ghi âm được phần lớn ngôn ngữ thời hiện tại, vì trong hàng ngàn năm bị triệt hạ, thứ chữ này phải tồn tại một cách lén lút trong các tộc người Việt gốc sống ở vùng sâu, vùng xa. Do không được sử dụng rộng rãi, không được cải tiến cho phù hợp với sự phát triển của ngôn ngữ nói chung, đặc biệt sự phát triển ngôn ngữ ở các vùng đô thị rất mạnh mẽ, do giao lưu văn hóa với bên ngoài, nên thứ chữ này đã trở nên lạc hậu, không sử dụng được nữa.

      Thứ chữ Việt cổ mà ông Xuyền giải mã, thực sự là một thứ chữ của một nền văn minh rực rỡ, loại chữ của một dân tộc mà trí tuệ đã đạt đến một đỉnh cao nhất định. Đó là trí tuệ của một thời đại có hàng ngàn năm độc lập, xây dựng và phát triển – thời đại các Vua Hùng.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức