Bà Phạm Thị Thanh 61 tuổi, từ Phú Yên vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM điều trị khớp. Bà ngồi xe lăn, gương mặt mệt mỏi chờ đến lượt khám. Mỗi tháng bà tốn khoảng một triệu đồng cho thuốc men.
Bà Thanh mắc bệnh khớp đã 10 năm nay. Uống quá nhiều loại thuốc nên hiện mặt mũi chân tay bà Thanh sưng phù lên, rất khó chịu. Mấy hôm nay, thời tiết chuyển biến bất thường, bà không đi lại được, cứ đứng dậy là đầu gối như có dao đâm. "Đau nhức lắm, tôi đi chụp phim, bác sĩ bảo khớp đã bị hư rồi, mọc rất nhiều gai. Tôi phải vào Sài Gòn để khám lại cho chắc ăn, mong là chữa được bệnh”, bà Thanh nói.
Bà Thanh chỉ là một trong nhiều người bệnh khác có mặt tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM lúc 6h30 sáng ngày 14/1. Ngồi gần bà Thanh có anh Đỗ Thanh Giang, 42 tuổi, nhà ở quận 5 TP HCM. Anh Giang bị viêm khớp dạng thấp khá nặng, chân tay thường xuyên đau nhức, sưng đỏ. Anh Giang tranh thủ đi tái khám sớm để về còn đi làm.
"Ban đầu tôi chủ quan, ngại đi khám, cứ nghe ai giới thiệu sản phẩm thuốc gia truyền nào hay thì mua về dùng. Uống vào thấy hết đau, hết sưng nhanh là mừng lắm, tưởng vậy là bệnh đã khỏi chứ đâu có ngờ ngày càng nặng thêm”, anh tâm sự.
Tại tiệm thuốc trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TP HCM, một người đàn ông tuổi trung niên tên Nguyễn Thanh Bình cầm trên tay một số sản phẩm dành cho xương khớp, gương mặt lộ rõ sự hoang mang. Ông Bình năm nay 54 tuổi, là khách ruột của tiệm thuốc này. Khớp gối của ông thường xuyên đau nhức, tê cứng khoảng 3-4 năm nay và tình trạng ngày càng tệ thêm. “Nghĩ do mình đi lại nhiều nên đầu gối nhức mỏi, tôi dùng vài loại sản phẩm dành cho xương khớp. Có loại uống vào bớt nhưng cứ ngưng thì cơn đau liền tái phát, nhiều loại làm đau bao tử”, ông Bình nói.
Theo PGS TS BS Lê Anh Thư, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thấp khớp học Việt Nam, thông tin từ Hiệp hội Thấp khớp Mỹ cho thấy, 52% người Mỹ bị đau nhức xương khớp tự ý mua dùng các sản phẩm giảm đau. Việc tự chữa bệnh xương khớp luôn tiềm ẩn nhiều hiểm họa, đặc biệt là tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, phù người, viêm loét dạ dày… Tại Việt Nam tình trạng người dân tự ý dùng các sản phẩm chữa bệnh khớp hiện rất đáng lo ngại. Bởi trên thị trường các sản phẩm chữa xương khớp nhiều vô kể, không ít loại được quảng cáo đủ thứ công dụng mà không có chứng cứ khoa học hay nghiên cứu lâm sàng. "Việc bào chế, sản xuất có thể cũng không đảm bảo về mặt công nghệ, tiêu chuẩn, chất lượng… Dùng bừa bãi, thường xuyên các sản phẩm kém chất lượng vừa gây tốn kém tiền bạc, vừa khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn”, PGS Anh Thư nhấn mạnh.
BS CK2 Nguyễn Thái Thành, Trưởng khoa Khớp - Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cũng khuyến cáo hiện nay trên thị trường có không ít sản phẩm được giới thiệu là Đông y, nguồn gốc thiên nhiên nhưng thành phần có trộn tân dược giúp giảm đau, kháng viêm như corticoids, morphin, dexamethasone… để đánh lừa người bệnh. Những sản phẩm này có thể giúp bệnh nhân hết đau, hết viêm rất nhanh nhưng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, các sản phẩm giảm đau nhanh chứa corticoids có thể khiến bệnh nhân dễ nhiễm lao, mắc bệnh tiểu đường, loãng xương, đục tinh thể mắt, béo phì; các sản phẩm giảm đau morphine dùng lâu sẽ gây tình trạng nghiện thuốc, suy hệ hô hấp... Đây là những sản phẩm có hại nhiều hơn có lợi.
Anh Hồng Văn Công, chủ một tiệm thuốc Tây tại quận 12, TP HCM, cũng thừa nhận các dược sĩ bán ở nhà thuốc cũng thấy loạn với sản phẩm xương khớp hiện có. Lâu lâu đi chợ sỉ, anh được giới thiệu thêm sản phẩm mới với nhiều công dụng khác nhau, nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, chiết khấu đến 30-40%. Tuy nhiên, nhiều chủ tiệm thuốc như anh Công không dám nhập hàng lung tung vì không biết tác dụng, hiệu quả của chúng thực sự thế nào để tư vấn cho khách hàng. Ông chủ tiệm thuốc này cho biết, nhiều sản phẩm nhanh chóng bị chết yểu vì không mang lại hiệu quả rõ ràng mà còn gây những tác dụng phụ cho người dùng.
Một nhân viên kinh doanh của đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm hỗ trợ xương khớp cũng cho biết, hiện nay có quá nhiều sản phẩm dành cho bệnh xương khớp nên để chen chân được vào nhà thuốc, các hãng phải chiết khấu cao, khuyến mãi hấp dẫn. "Có nhà thuốc vì lợi nhuận đã dành những chính sách ưu đãi cho nhân viên tư vấn khách hàng đổi toa từ sản phẩm tốt sang sản phẩm kém uy tín (thường giá rẻ hơn) để có lợi nhuận cao", anh này tiết lộ.
Thị trường VN hiện có trên 50 sản phẩm về bệnh xương khớp khác nhau, chưa kể các sản phẩm thuộc dạng xách tay hoặc gia truyền không nhãn mác, xuất xứ khác. Hình thức cũng đa dạng như viên nang, cao đơn hoàn tán hoặc thuốc lỏng… Thành phần thuốc được công bố từ nhiều nguyên liệu động thực vật khác nhau như đỗ trọng, đương quy, kim tiền thảo, xuyên khung, khương hoạt, thục địa, tam thất, cao rắn hổ mang, cao xương cá xấu, cao xương dê, cao rắn biển, cao ngựa trắng... Giá được rao bán từ vài chục đến vài trăm nghìn mỗi hộp. Tuy nhiên, nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu, công nghệ sản xuất cũng như các thành phần có trong chúng liệu có đảm bảo hay không thì… ít ai biết được. Thực tế, chỉ có rất ít sản phẩm công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng rõ ràng hoặc có những chứng cứ khoa học về tác dụng một cách rõ rệt.
PGS Lê Anh Thư cho rằng, với các bệnh lý về xương khớp, việc điều trị bao gồm điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Không dùng thuốc bao gồm tuân thủ chế độ dinh dưỡng, vận động, tập luyện, nghỉ ngơi… phù hợp với thể trạng, tuổi tác, tình trạng bệnh của từng người. Điều trị dùng thuốc phải kiên trì theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm điều trị tấn công, điều trị duy trì và điều trị củng cố. Trong đó, điều trị tấn công thường trong giai đoạn đầu nhằm “cắt” nhanh các triệu chứng như đau, viêm, sưng; điều trị duy trì nhằm ổn định bệnh, giúp bệnh thuyên giảm hoặc không tiến triển; điều trị củng cố nhằm duy trì, hồi phục chức năng của các cơ quan xương khớp bị tổn thương. Nếu điều trị tấn công nhắm vào giải quyết nhanh các triệu chứng thì điều trị duy trì và củng cố nhắm vào nguyên nhân gây bệnh, giúp chữa trị bệnh từ gốc.
TS BS Tăng Hà Nam Anh (Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương) cũng khuyên, bên cạnh việc chủ động khám sớm và tuân thủ theo lộ trình điều trị của bác sĩ, bệnh nhân xương khớp có thể sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ uy tín, được chứng minh, nghiên cứu lâm sàng rõ ràng và không gây tác dụng phụ.
“Với các bệnh lý xương khớp nhất là thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, các bệnh gai đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm…, việc điều trị nên bắt đầu từ gốc là bảo vệ, bảo tồn và chăm sóc tối đa sụn khớp. Các thuốc giảm đau chỉ có tác dụng giảm triệu chứng, quan trọng nhất là làm sao giúp sụn khớp chậm bị hư hoại bởi sụn khớp hư hại là nguồn gốc của các cơn đau và cả nguy cơ tàn phế”, TS Nam Anh nhấn mạnh.
Xu hướng điều trị các bệnh xương khớp hiện nay cần phải trúng đích phải đảm bảo an toàn, không gây tác dụng phụ, việc dùng các thuốc chống viêm giảm đau chỉ khi cần thiết. Đối với các bệnh xương khớp phổ biến ở người trung niên và cao tuổi, có xu hướng trẻ hóa như thoái hóa khớp cần phải điều trị đúng vào yếu tố gốc là sụn khớp. Bên cạnh việc chữa trị phải đặc biệt lưu ý đến các giải pháp làm chậm sự thoái hóa của sụn khớp, phục hồi các hư tổn tại mô sụn như dưỡng chất sinh học UC-II. Theo TS Nam Anh, loại dưỡng chất sinh học này đã được các nhà khoa học từ Viện InterHealth (Mỹ) nghiên cứu về công dụng, tính năng và tính an toàn khi sử dụng. Trải qua nhiều nghiên cứu lâm sàng tại Mỹ và Canada, UC-II được chứng minh có khả năng giúp cơ thể bảo vệ, tái tạo và nuôi dưỡng sụn khớp hiệu quả, người bệnh có thể dùng trong thời gian dài mà không gây tác dụng phụ.
Theo TS Nam Anh, người bệnh cần tỉnh táo khi chọn lựa sản phẩm chăm sóc xương khớp. Các tiêu chí cơ bản được khuyến cáo khi sử dụng là có xuất xứ rõ ràng, đơn vị phân phối uy tín, được chứng minh công dụng qua các nghiên cứu lâm sàng và đặc biệt là có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên ngành. Ngoài ra, người sử dụng cũng chú ý lắng nghe cơ thể của chính mình để có biện pháp bảo vệ khung xương, chăm sóc sụn khớp từ sớm và điều trị ngay khi ở giai đoạn đầu của bệnh lý.
Danh Nguyễn
Theo: VnExpress.net