TS. Barton Schmidt, khoa Nhi, BV Nhi Colorado (Mỹ), cho biết: Trong các bệnh thường gặp ở trẻ em, 20% là cấp tính, 30% có thể chờ 2 ngày sau mới đi khám, còn lại là chăm sóc tại nhà. Vậy đâu là những triệu chứng nằm trong nhóm cấp tính:
1. Sốt cao
Nếu nhiệt độ cơ thể của trẻ thấp hơn 39℃, nếu trạng thái tinh thần, cảm giác ăn uống vẫn tốt, điều bố mẹ cần làm là quan sát cụ thể, nhưng quan sát này không phải là chỉ chăm chăm nhìn vào nhiệt kế, mà chủ yếu xem tình trạng tổng thể của trẻ. Trẻ em trên 6 tháng tuổi có thể cho trẻ uống lượng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen thích hợp. Nhưng khi một trẻ em dưới 2 tuổi bị sốt trên 40℃, hoặc sốt kéo dài hơn 2 ngày liên tục, hoặc kèm theo các triệu chứng khó chịu khác, nhất định trong vòng 48 giờ phải được đưa tới bệnh viện
2. Nhức đầu
Đầu tiên bố mẹ phải xác minh rõ liệu trẻ có phải là đau đầu thật hay không, nếu có thì kiểm tra mức độ đau. Nếu chỉ đau đầu nhẹ, chỉ cần chú ý nghỉ ngơi. Nếu đau liên tục trong vài giờ hoặc ảnh hưởng đến cảm giác ăn uống, thậm chí không thèm xem chương trình truyền hình mà trẻ yêu thích nhất, thì đó không phải là triệu chứng bình thường, cần lập tức đến bệnh viện khám.
Nếu đau đầu kèm theo rối loạn tư duy, thị lực không rõ, đa phần có liên quan đến hệ thống thần kinh. Nếu trẻ nhức đầu kèm theo nôn mửa, sốt, thất thần hoặc cứng đơ phần cổ, có thể bị viêm nhiễm nặng, ví dụ như viêm màng não, lúc này cần phải đi khám ngay lập tức.
3. Phát ban lan rộng
Nếu phát ban màu đỏ, sau khi ấn ngón tay vào thì chuyển thành màu nhạt hoặc màu trắng, nhấc ngón tay lên lại trở lại màu như cũ, đa phần là phát ban da do vi-rút hoặc phản ứng dị ứng, thông thường không phải lo lắng. Nếu sau khi dùng tay ấn vào mà không thay đổi màu sắc, có thể là một dạng biểu hiện của bệnh nặng như viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, đặc biệt nếu kèm theo sốt thì phải vào viện ngay lập tức. Ngoài ra, nếu phát ban kèm theo sưng phù ở môi hoặc phần mặt, hoặc hô hấp khó khăn, điều này có thể là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng.
4. Bệnh dạ dày đường ruột cấp tính
Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm hoặc viêm dạ dày, đường ruột, bố mẹ nên theo dõi chặt chẽ triệu chứng nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nói chung, nôn 3 lần trong vòng nửa ngày rất ít bị mất nước, nhưng nếu trong vòng 8 tiếng đi ngoài 8 lần hoặc vừa nôn mửa vừa đi ngoài thì trẻ sẽ mất nước , lúc này cần đến ngay bệnh viện.
5. Đơ cứng cổ
Trẻ em xuất hiện triệu chứng đơ cứng cổ, chuyển động khó khăn, ít khi gây đau nhức cơ bắp, nếu kèm theo sốt, sợ ánh sáng, đau đầu và các triệu chứng khác, đa phần bị viêm màng não nên lập tức đến viện. Nếu đơ cứng cổ chỉ kèm theo bị sốt, có thể là viêm amiđan. Nếu đơ cứng cổ cùng với có tiền sử chấn thương, có thể là biểu hiện của chấn thương sọ não, nên nhập viện ngay lập tức.
Dương Hằng
(Theo Dantri)