Vợ chồng thầy cô giáo được song táng trong lòng miếu và được người dân thôn Hương Lan âm thầm bảo vệ suốt 2.300 năm.
Ông Đỗ Văn Xuyền sinh năm 1937, quê gốc ở Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông tình nguyện lên Việt Trì dạy học. 22 tuổi, ông làm hiệu trưởng trường cấp 2. Khi đó, học sinh cấp 2 thậm chí lớn hơn cả thầy giáo.
Ngày đó, trường mới lập nên còn hoang sơ lắm. Sau giờ học, thầy trò phải lao động cật lực, đào đất, san nền lấy mặt bằng để dựng trường, làm sân chơi.
Trong quá trình đào bới, san lấp, ông cùng học trò của mình đào được vô số đồ cổ bằng đồng như giáo, mác, mũi tên, trống đồng và các loại đồ gia dụng... Học trò còn gánh đồ cổ về lớp chơi, tặng cho thầy giáo.
Ông giáo Đỗ Văn Xuyền và tài liệu giải mã chữ Việt cổ.
Nghiên cứu những đồ cổ thu thập được, lục lại lịch sử, thầy giáo trẻ Đỗ Văn Xuyền cảm nhận thấy rằng, lịch sử cổ xưa của nước mình chứa đựng nhiều điều vĩ đại lắm, chứ không đơn giản như sách sử của người Trung Quốc và cả Việt Nam viết. Thấy vùng đất này có quá nhiều đồ cổ, hiệu trưởng Đỗ Văn Xuyền lục lại sách vở, nghiên cứu lịch sử. Hóa ra, trường học nơi ông dạy từng là kinh đô Văn Lang với những địa danh nổi tiếng như Lầu Thượng, Lầu Hạ, Kẻ Lư, Thậm Thình, Mã Quàng…
Với sự trân trọng lịch sử, cổ vật, thầy giáo trẻ Đỗ Văn Xuyền đóng gói hàng trăm cổ vật mà ông và học sinh đào được, gửi về Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ cất giữ.
Ngôi miếu thờ thầy giáo và học trò có tên miếu Hai Cô.
Năm 1980, thầy giáo Đỗ Văn Xuyền trở về Việt Trì với cương vị Chủ tịch Hội Văn nghệ, kiêm Trưởng ban Văn hóa xã hội của Thành phố Việt Trì. Lúc này, ông đã là một nhà văn, có một số tác phẩm gây tiếng vang, với bút danh Khánh Hoài. Những năm bom Mỹ bắn phá miền Bắc, thầy giáo Đỗ Văn Xuyền lại xung phong lên vùng Tây Bắc dạy học. Vừa dạy học, ông Xuyền vừa bỏ công tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc, sáng tác văn học.
Niềm đam mê nghiên cứu văn hóa, sáng tác văn học lại thêm thôi thúc ông đi tìm hiểu về lịch sử thời Hùng Vương của người Việt. Ông tích cực đi điền dã, tìm hiểu thực tế ở các thôn xóm, làng xã, nghiên cứu đền miếu…
Sắc phong trong ngôi miếu cổ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Với gần 5.000 tuổi, ông Xuyền biết rằng, sẽ chẳng còn xương cốt dưới mộ. Nhưng qua ngôi đền, ngôi mộ, ông Xuyền thấy rằng, người dân cố đô Văn Lang có ý thức bảo tồn di tích lịch sử rất tốt. Đó là điều kiện rất thuận lợi để ông đi sâu tìm hiểu văn hóa, lịch sử thời Hùng Vương. Ông giáo Đỗ Văn Xuyền kinh ngạc khi phát hiện ra một ngôi đền thờ rất nhỏ, song lại thờ mẹ đẻ của Lạc Long Quân, vợ Kinh Dương Vương. Người trông đền thờ lại còn khẳng định ngôi mộ ở cạnh đền là mộ của bà.
Tiếp tục điền dã, ông phát hiện một ngôi đền nhỏ xíu, cực kỳ cổ kính, cũ kỹ bên đường. Đó là đền thờ bà Thục Nương, Đại tướng của Hai Bà Trưng. Sau này, ông liên hệ với chính quyền và người ta đã xây dựng lại rất khang trang.
Đó là lần điền dã qua quả đồi nhỏ ở thôn Hương Lan, trung tâm cố đô nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương, ông thấy một ngôi miếu cổ kính, tường nứt loang lổ, có diện tích bằng hai manh chiếu, nằm dưới gốc hai cây táu ngàn năm tuổi, to đến 4-5 người ôm. Mỗi khi hè về, hai cây táu lại rải những cánh hoa vàng, hoa bạc trên mái ngói rêu phong, càng tạo vẻ u tịch. Một ngôi miếu nhỏ đã làm thay đổi suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng và định hướng nghiên cứu của ông Xuyền, đó là miếu Hai Cô.
Tò mò với ngôi miếu lạ, ông Xuyền tìm cụ Nguyễn Hữu Bồng, người được dân làng phân công trông nom miếu, để tìm hiểu. Ông Bồng kể, năm 1978, Hợp tác xã nông nghiệp Động Lực đã hô hào xã viên chặt hai cây táu để làm củi nung gạch. Các cụ già trong thôn đã kéo nhau ra miếu phản đối. “Cuộc đấu” giữa một bên đòi chặt và một bên đòi giữ diễn ra rất căng thẳng. Cuối cùng, ông Bồng đã ôm chặt thân cây kêu lớn: “Nếu các anh định chặt cây thì chặt xác tôi đã. Tôi không cho phép các anh phá nơi thờ tự thầy cô giáo”.
Tài liệu ghi chép thông tin về ngôi miếu Hai Cô.
Tượng thầy giáo Vũ Thê Lang và cô giáo Nguyễn Thị Thục.
Mộ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang trong miếu Hai Cô.
Chuyện cụ Bồng kể khiến ông Xuyền rất ngạc nhiên. Rõ ràng tên miếu là Hai Cô, nhưng sao lại thờ thầy giáo? Tìm hiểu kỹ các văn bản, thư tịch lưu lại trong miếu và qua lời kể của ông cụ Bồng, thì thực tế, ngôi miếu này lại thờ thầy giáo thời Vua Hùng, có tên họ hẳn hoi là Vũ Thê Lang, quê ở Mộ Trạch (Hải Dương).
Theo đó, thầy giáo Vũ Thê Lang đã cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn (Kinh Bắc), đã lên vùng này dạy học vào thời Vua Hùng thứ 18. Thầy cô đã chết vào cùng một giờ, ngày 2-2 năm Quý Dậu (288TCN). Vợ chồng thầy cô giáo được song táng trong lòng miếu và được người dân thôn Hương Lan âm thầm bảo vệ suốt 2.300 năm.
Trên bàn thờ của ngôi miếu vẫn còn tượng thầy cô và đặc biệt có 2 cô gái cùng 2 thị nữ theo hầu. Tượng hai cô gái đó là công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái Vua Hùng 18, là học trò xuất sắc của thầy Vũ Thê Lang. Tại ngôi miếu còn có bức Hoành Phi nhỏ ghi “Thiên Cổ miếu” và đôi câu đối dài chừng 1m: “Hùng lĩnh trung chi thắng tích/ Nam thiên chính khí linh từ”. (Tạm dịch: “Thắng tích: Dấu xưa Hùng Lĩnh/ Đền thiêng: Nguồn sáng trời Nam).
Hoành phi được khắc chữ Việt cổ do thầy giáo Đỗ Văn Xuyền thực hiện.
Việc phát hiện một ngôi đền thờ thầy cô giáo, học trò từ thời Hùng Vương, thầy giáo Đỗ Văn Xuyền suy luận thời Hùng Vương có chữ viết, quả không có gì phi lôgic. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về ngôi đền này, tôi có một số lăn tăn mà chưa tìm được lời giải đáp. Những thông tin về ngôi miếu cổ này không phải do ông Đỗ Văn Xuyền bịa ra, mà nó được dân gian kể lại, có cả văn bản ghi chép, tất nhiên là thế hệ sau ghi lại, chứ không phải bằng chữ cổ thời Hùng Vương. Qua ngôi miếu này, ông Xuyền nhận ra rằng, từ thời Hùng Vương, tức là trước khi người Hán sang đô hộ, nước Văn Lang đã có lớp học, đã có thầy giáo, cô giáo, đã có học trò, và tất nhiên là phải có chữ viết.
Theo gia phả họ Vũ Việt Nam, thủy tổ của hai dòng họ này là Vũ Hồn (sinh năm Giáp Thân 804 và mất năm Quý Dậu 853). Vũ Hồn là con của bà Nguyễn Thị Đức và ông Vũ Huy. Bà Đức quê ở Mạn Nhuế (Thanh Lâm, thuộc Chí Linh, Hải Dương bây giờ). Ông Vũ Huy là người làng Mã Kỳ (huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc). Trong lần du ngoạn sang ấp Cổ Nhuế, ông Huy lấy bà Đức và sinh ra Vũ Hồn.
Ngôi mộ được cho là của bà Nguyễn Thị Đức, mẹ đẻ của người được cho là thủy tổ họ Vũ là ông Vũ Hồn. Mộ đặt tại xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương.
Sau khi rời quan trường, Vũ Hồn về Hải Dương lập trang ấp, xây dựng nhà cửa, dinh cơ, gọi con cháu, nhân dân quanh vùng về ở, tạo nên xóm nhỏ, đặt tên là Khả Mộ Trang, tức là làng Mộ Trạch (Bình Giang, Hải Dương bây giờ). Vũ Hồn đỗ thi Đình khi mới 16 tuổi, tinh thông cả thiên văn, địa lý, phong thủy. Năm 825 (Ất Tỵ) đời vua Đường Kính Tông, niên hiệu Bảo lịch thứ nhất, Vũ Hồn được cử sang An Nam làm Thứ sử Giao Châu.
Vì thế, họ Vũ coi Vũ Hồn là thủy tổ của dòng họ và coi làng Mộ Trạch là nơi phát tích của dòng họ này.
Như vậy, tìm hiểu gia phả họ Vũ và ngôi đền thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, sẽ thấy có điểm mâu thuẫn rất lớn. Nếu căn cứ vào gia phả họ Vũ, thì họ Vũ và làng Mộ Trạch, mới xuất hiện ở nước ta 1.200 năm nay, vào thời Bắc thuộc. Vậy, thông tin ông thầy giáo Vũ Thê Lang quê ở làng Mộ Trạch, dạy học thời Vua Hùng, tức là cách ngày nay 2.300 năm là rất vô lý.
Qua những thông tin này, sẽ có 2 giả thuyết: Thứ nhất, thầy giáo Vũ Thê Lang không thể dạy học từ thời Vua Hùng nếu ông Vũ Hồn là thủy tổ họ Vũ (Trong khi thời Vua Hùng, không thấy nhắc đến họ, ngay cả hai cô học trò được thờ trong đền là Ngọc Hoa và Tiên Dung cũng không có họ, nhưng vợ chồng thầy giáo lại có họ đàng hoàng). Thứ hai, thủy tổ họ Vũ không phải ông Vũ Hồn, mà thủy tổ họ Vũ phải từ thời Văn Lang, nếu thực tế có ông thầy giáo Vũ Thê Lang dạy học thời Vua Hùng!
Như vậy, việc căn cứ vào ngôi miếu Hai Cô thờ thầy cô và học trò khẳng định có lớp học thời Hùng Vương chưa thuyết phục. Tất nhiên, ông giáo già Đỗ Văn Xuyền không dừng lại ở việc phát hiện hai ngôi miếu đầu tiên này để khẳng định thời Hùng Vương có chữ viết.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương