II. Những công cụ của Y học Dân gian sử dụng để luận trị bệnh:
1. Lang Đạo (Đạo lý của Thầy Lang): Xác định vị thế của Thầy Lang đối với người mắc bệnh.
Các Vua Hùng gọi các con trai của mình là Lang, tương tự như Vua các nước khác gọi con trai là Hoàng Tử. Bản thân các ông Vua ở thời Hùng Vương đều mang tên “húy” là Lang. Vị vua là Trưởng Nam của Lạc Long Quân và Âu Cơ ở triều đại thứ ba Thời Hùng Vương, có tên Vua là Hùng Quốc Vương, tên húy là (3) Lân Lang. Các triều đại tiếp theo Thời Hùng Vương đều có tên Vua và tên húy là (4) Bảo Lang; (5) Viên Lang; (6) Pháp Hải Lang; (7) Lang Tiên Lang; (8) Thừa Vân Lang; (9) Quốc Lang; (10) Hùng Hải Lang; (11) Hưng Đức Lang; (12) Đức Hiền Lang; (13) Tuấn Lang; (14) Châu Nhân Lang; (15) Cảnh Chiêu Lang; (16) Đức Quân Lang; (17) Bảo Quang Lang. Triều đại thứ 18, cũng là triều đại cuối cùng của thời Hùng Vương là Hùng Duệ Vương có tên húy là Huệ Lang.
Xã hội Việt Cổ của Nhà nước Văn Lang rất kính trọng thầy thuốc, coi họ như sự hiện diện gần gũi của Đức Vua. Thầy thuốc được coi là Người Tài. Để tôn vinh, xã hội người Việt Cổ đã gọi người hành nghề Y - Dược là Lang Thuốc. Khi được xã hội tôn vinh là Lang, bản thân người làm thuốc cũng nhận thấy đây là một cơ hội cần tận dụng để tạo thuận lợi trong hành nghề, nên cũng tự nhận là Lang.
Nhờ có vị thế xã hội là Lang, thầy thuốc mới giám mở miệng gọi người bị bệnh là “Con Bệnh”, không phải để vênh váo hợm hĩnh mà là tạo ra một không gian thuần kiết, linh thiêng cao cả “vô trùng”; ở đó chỉ có mối quan hệ y tế tinh khiết, không bị bụi trần làm cho ô nhiễm giữa người bị bệnh với người chữa bệnh.
Khi gọi đối tượng mà mình phục vụ là “Con Bệnh”, người chữa bệnh đã tự giác đưa mình vào vị thế cao cả, tự dập tắt được các dục vọng thấp hèn, (Lang mà hành sử hèn hạ sao?). Tự đặt mình vào vị thế cao cả, Lang Thuốc sẽ thanh thản cho qua những ngang trái đời thường mà vì nhiều nhẽ người bệnh và người nhà của họ vô ý hoặc cố ý đối sử bất công, bất nghĩa với Lang. Thanh thản là yêu cầu buộc phải có khi bắt tay vào khám bệnh và chữa bệnh. Các Thầy Lang có Thuốc hay đều là những người có tư chất thanh thản trước mọi cám dỗ, nhưng lòng dào dạt yêu thương “Con Bệnh”.
Người bị bệnh thuộc rất nhiều thành phần xã hội: Từ Đức Vua quyền uy tối thượng, quý tộc, quan lại, thương gia quyền quý giàu sang cho tới kẻ lưu manh cặn bã của xã hội; khi được gọi là “Con bệnh” thì người thầy thuốc coi họ như nhau. Tạo được tâm thế đó, thầy thuốc sẽ rất tự do, thông sáng trong chữa trị bệnh. Đây chính là nét văn hóa Y tế rất đặc sắc của người Việt. Vấn đề này rất lớn, nhưng lâu nay không thấy nói đến trong y học cổ truyền. Trên đường học hỏi vốn cổ của dân tộc, tôi đã cảm nhận được. Nói ra điều này cũng “run” lắm; bởi vì, xin mượn lời của một nhà thơ thời “Tiền chiến”: “Đường về xưa cũ xa xôi lắm/ Mà kẻ đi về có một tôi”.
2. Những chuẩn mực ứng dụng trong khám chữa bệnh
Gọi người mắc bệnh là Con Bệnh mặc nhiên ghi nhận đối tượng không còn là người bình thường. Tiên đề này soi dọi toàn bộ quá trình khám bệnh, nghĩa là luôn lấy tiêu chuẩn của người bình thường để đối chiếu với thể trạng của con bệnh. Tiêu chuẩn sức khỏe của người bình thường được Y học dân gian ghi nhận qua 4 chỉ tiêu tổng hợp: Tính, Khí; Tình; Thần. Ông nội dặn bố tôi rằng: “Anh Cả hỏi thầy làm thế nào để nhìn thấy Kinh Lạc ư? Con hãy bơi và ngụp lặn thật sâu vào “Tứ Hải” đó sẽ nhìn thấy Kinh Lạc!“.
Tính - Khí - Tinh - Thần ở một con người có khởi nguồn từ nguyên khí của Tổ tông nòi giống qua cha mẹ truyền cho (tiếp nhận di truyền) và là kết tinh của lịch sử phát triển tự thân của cá thể. Tính - Khí - Tinh - Thần không hiện diện như một vật chất cụ thể mà là sự toát ra qua sắc thái, hành vi của con người. Nó có cốt vật chất là sự chuyển hóa suốt quá trình trao đổi chất trong cơ thể để thích nghi với môi trường sống. Môi trường sống của Loài Người theo quan điểm của Y học Dân gian nước Việt luôn có hai tầng: Tầng nền tảng và Tầng biểu hiện.
Tầng nền tảng là cốt vật chất được tạo thành từ các chất vô cơ kết hợp với các chất hữu cơ theo một quan hệ tương thích (công thức hóa học) đã nạp đủ năng lượng, hiện diện hữu hình với tên gọi CHẤT và TRƯÒNG, tuân theo chương trình thông tin SIÊU HÌNH đã được mã hóa nén vào một hợp chất hữu cơ được Thầy tu Grêgo Mendel (1822 - 1884), người Tiệp Khắc, tác giả của Học thuyết di truyền gọi là Gen. Tầng nền tảng tồn tại trong chuyển hóa theo quy luật cạnh tranh bằng chọn lọc tự nhiên để sinh tồn, mà đồng hóa và dị hóa là một trong những biểu hiện cụ thể.
Tầng biểu hiện là các mối quan hệ xã hội luôn vận động theo quy luật đang còn tranh cãi (đấu tranh giai cấp tiến tới xóa bỏ giai cấp hay đấu tranh giai cấp để điều hòa lợi ích giai cấp, tiến tới một xã hội hài hòa lợi ích?). Qua thực tế chữa bệnh nhận thấy: Phần lớn bệnh tật nan y của con người phát sinh có nguồn gốc từ tầng biểu hiện của môi trường sống – tức là do mối quan hệ xã hội căng thẳng mà sinh bệnh. Nhân loại đang đứng trước hiểm họa sốc phản vệ vô căn – Tiếng Tây viết là “Stress” rất khó chữa vì khó truy tìm nguồn gốc bệnh sinh. Nếu chỉ tầm soát tìm nguồn gây bệnh ở từng lĩnh vực đơn lẻ, như tâm thần học; sinh lý học; xã hội học… thì không đọc đúng bệnh mà phải là tất cả các lĩnh vực khoa học hiện hữu của một nền văn hóa.
Tính - Khí - Tình - Thần của y học dân gian Việt, không giống “Tam Bảo” của Trung Y là Tinh, Khí, Thần. Bốn mặt của sự sống (Tứ diện hiện sinh) của y học Việt cổ được hiểu như sau:
2.1. Tính:
Tính là sự biểu hiện hành vi riêng có của cá thể đối tượng cộng đồng, thông qua cái gọi là tính nết, tích cách, như: Hoạt bát, nhanh nhẹn, năng động; đối lập với tính cách ù lì, chậm chạp, thụ động; nóng nảy, hấp tấp, nông cạn, lào phào (phổi bò) đối lập với: mềm mỏng, thận trọng, sâu sắc, thâm trầm.
Có một thời tích cách được xem như là sản phẩm của “Nhân tạo” nhờ giáo dục mà có. Nhưng đứng trước các hiện tượng những cá thể có tài năng vượt trội, hơn hẳn những người cùng được đào tạo theo một chương trình, một nội dung giáo dục như nhau; thậm chí, có những tài năng thực sự lại chưa hề được hưởng một nền giáo dục chính quy, nhưng lại làm được những việc mà người đã được đào tạo chính quy để làm công việc đó không làm được, người ta chưa giải thích được. Thế rồi, đối diện với những cá thể tội phạm có trình độ văn hóa cao, sinh trưởng trong một môi trường sạch sẽ và cao sang lại độc ác hơn cả dã thú. Bọn này lại được đưa vào các cơ sở giáo dưỡng lí tưởng, tỏ ra ăn năn hối lỗi được thả ra, lập tức lại gây án. Hiện tượng này khá phổ biến ở tất cả các quốc gia, thường chiếm tỷ lệ tới 40% số người phạm tội được ra tù.
Người ta đã cố công giải thích như: Công tác cải huấn chưa tốt? Không đúng! 60% số người phạm tội hoàn lương thực sự, có người sau khi ra tù còn tốt hơn cả những người chưa bị đi tù lần nào đã bác bỏ cách quy kết này. Còn một cách giải thích nữa là do di truyền? Cũng không đúng! Có tới 90% con của các nhà bác học lại không có tài năng xuất chúng, thậm chí còn đần độn. Ngược lại, có những tài năng kiệt xuất mà từ ông bà cho đến cha mẹ đều là người bình thường. Hầu hết những kẻ ác khét tiếng đều có cha mẹ là người lương thiện.
Gần đây một số nhà nghiên cứu về nguồn gốc sự sống của Loài Người đưa ra nhận định: "Giữa học và thông minh hoàn toàn khác nhau. Học mà giỏi là Nhân tài, còn thông minh là Thiên tài". Vậy, hiện tượng kẻ ác thì lí giải ra sao; gọi tên nó là Thiên tội sao? Theo thiển ý của tôi cả hai hiện tượng “xuất chúng” nói trên đều là sản phẩm của “đột biến Gen”, cơ chế đột biến Gen mọi người đã biết rồi. Đột biến Gen tạo ra con người có tài năng xuất chúng (NGƯỜI HIỀN) là đột biến của sự phát triển, đã có tên gọi của nó, đó là “sự thăng hoa”. Đột biến Gen biến con người trở về dã thú (KẺ ÁC) là đột biến phản phát triển; nó cũng đã có tên gọi, đó là: sự thoái hóa biến chất. Đây là một loại bệnh ở Gen rất khó chữa. Đã là hiện tượng đột biến Gen thì không phải ai cũng được hoặc bị đột biến mà là Giời cho ai thì người đó được bắt tội ai thì người đó chịu. Xin hiểu cho, Giời ở đây là giới TỰ NHIÊN, chứ không phải là Ngọc Hoàng Thượng Đế trong truyện Thần thoại.
Người Việt Cổ làm triết học bằng những lời lẽ bình dân. Lí giải hiện tượng này Tổ tiên ta nói: "Cha mẹ sinh con, Giời sinh tính". Người Trung Hoa cổ cũng có nhận xét tương tự, được nhà Nho Hán - Việt diễn đạt: “Giang sơn dễ đổi, tính cách khó thay”. Hình như chưa đồng tình lắm với nhận định này nên các nhà Nho Việt chơi chữ “KHÓ THAY”: vừa là động từ lại có thể hiểu là một thán từ nghi vấn, khiến cho câu nói trên vừa là câu khẳng định vừa là câu cảm thán.
Y học dân gian coi tính cách như một chỉ báo sinh học hằng định của riêng một cá thể. Không chỉ Thầy Lang mà dân gian cũng căn cứ vào tính cách cá thể để đoán bệnh cho người thân. Thầy Lang thường được nghe người thân của Con Bệnh nói: “Cháu nó thường ngày rất hoạt bát, nhanh nhẹn lắm; không hiểu sao hồi này nó ủ rũ, hỏi không buồn nói, gọi chẳng thưa, chúng tôi lo quá, xin Thầy xem cho, cháu bị bệnh gì?”.
2. 2. Khí:
Khái niệm “Khí” của Y học Dân gian khác hẳn với lọai Khí đang được giải thích là Trường – một dạng tồn tại siêu hình của vật chất, tuy không nhìn thấy nhưng có thể đo đếm được Khí của Y học Dân gian giống với khái niệm “Khí” mà Phan Châu Trinh đã dùng ("trấn Dân khí"); nó (Khí) là biểu hiện bản lĩnh của cá thể trước sự tác động của ngoại cảnh. Có thể hiếu khái niệm “Khí” ở đây là toàn bộ phong cách ứng xử, thường được gọi là “đối Nhân xử Thế” của một con người. Một người lúc khỏe mạnh có tính cách nhút nhát e thẹn, khiêm tốn, lễ phép với mọi người; khi lâm bệnh thì cái nhút nhát đó biến mất không còn biết e thẹn nữa, trở nên trơ lỳ. Một người khi khỏe mạnh vốn dĩ là người có phong cách ứng xử linh hoạt tinh khôn, dũng cảm; khi bị mắc bệnh thì cái “Khí phách” đó đã bị nhạt nhòa. Người mắc bệnh dù rất nặng nhưng khí phách vẫn còn là còn cơ hội để cứu sống. Dân gian gọi cái khái niệm “Khí” đó là “Hồn người”.
2.3. Khái niệm “Tình"
Chữ Tình trong y học Dân tộc Việt được hiểu như một trạng từ liên hệ, có nghĩa nguyên gốc là trạng thái cảm xúc tâm lý thể hiện nhu cầu sinh lý nhưng lại mang vỏ bọc tâm lý. “Tình” trong hành động thực tiễn lại nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý bằng hành vi sinh lý. Do đó, nhu cầu tỏ tình được xem như một biểu hiện sống căn bản nhất của con người. Trong sinh hoạt xã hội ta thường nói đến hai chữ “Tình cảm”, ít ai để ý là mình đang sử dụng cặp phạm trù triết học: Tình và Cảm để diễn đạt mối quan hệ phức tạp của sự tác động qua lại của “Cái sinh lý” với “Cái tâm lý” chỉ có ở động vật cao cấp. "Cái Cảm" là căn cứ, là nguyên nhân làm nên cái “cái Tình”. Lộ trình của diễn biến này là: khởi đầu là “cảm nhận”; “cảm nhận" đã chín muồi được chuyển đến ngưỡng “Cảm xúc”. Khi cái "Cảm xúc" tiếp tục được cái "Cảm nhận” liên tục bổ xung theo hướng quỹ tích để cái “Cảm xúc” nén nhiều thông tin tới mức nhảy vọt đến “cái Xúc động”, “cái Tình“ khi đó mới hiện ra.
Từ “cái Tình” ở trình độ sơ cấp đó lại vẫn tiếp tục được cái Xúc động duy trì, dẫn tới ngưỡng “tỏ Tình”. Đến đây mới kết thúc sự vận động của cái ta vẫn nói “Cảm tình” ở chu kỳ thứ nhất. Chu kỳ tiếp theo lại có xuất phát từ “cái Tình” đã tụ ở chu kỳ một để “Cảm nhận” ở trình độ cao hơn đưa tới cảm xúc mãnh liệt hơn và tất yếu “Xúc động” lớn hơn. Nếu diễn biến nói trên xảy ra ở quan hệ Nam Nữ, thì “cái Xúc động” lớn hơn đó gọi là Yêu. Yêu cũng có nhiều cấp độ: khởi đầu gọi là “phải lòng”, nếu phát triển thì thành “Nhân ngãi”, phát triển nữa thành Vợ thành Chồng. Người xưa, thấy ai đó khi chưa thành Vợ thành Chồng mà đã hiến thân cho nhau được gọi một cách xem thường là đôi giai gái đó đã “già nhân ngãi, non vợ chồng, rồi, bởi chúng đã “Ăn nằm với nhau rồi còn gì nữa đâu, mà cao giá!”. Ai đó chỉ giả vở yêu để chiếm đoạt thân xác, hoặc kiếm tiền, thỏa mãn rồi là bỏ, không đi hết đường tình để đến hôn nhân; nếu là đàn ông được gọi tên là Sở Khanh (Kẻ ăn cắp tình của nàng Kiều); nếu là đàn bà chịu án phạt nặng hơn, bị rủa là “Con đĩ".
Người Việt xưa, đã phát hiện thấy tính trội của người đàn ông trong nhu cầu tình dục; cuộc đời tình dục của đàn ông dài hơn đàn bà rất nhiều năm. Nếu hai vợ chồng bằng tuổi nhau khi về già, gia cảnh dễ bị người chồng giở chứng: “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nữa, nên cho phép “Tài trai có hai, ba vợ”. (Trai, phải có tài mới có khả năng lấy nhiều vợ, chứ không phải bất kỳ người đàn ông nào cũng lấy được nhiều vợ đâu). Nhưng để ổn định trong quan hệ xã hội, giữ vững Gia Đình là nền móng của xã hội, lại đòi hỏi người đàn bà: “Gái chính chuyên chỉ có một chồng”.
Người đàn bà Việt xưa không coi đó là sự hy sinh là thiệt thòi mà là thiên chức là vinh dự của người Mệ Cả của “Đại gia đình” đã tự giác chấp nhận, “Luật Hôn nhân“ đó, nên có người vì sợ chồng đi chơi “Nhà Thổ”, đã cưới vợ lẽ cho chồng, thậm chí còn dụ em gái của mình làm lẽ để giữ chồng cho chị. Nhiều thằng cha láu cá, lợi dụng sự rộng lượng của vợ để thực hiện kế sách: “Mía ngọt đánh cả cụm!" Nhiều ngưòi có thân phận vợ lẽ đã được xã hội Việt tôn vinh như: “Nàng Ba Châu Long”; “Nguyễn phi Ỷ Lan”; “Vợ Ba Đề Thám”. Rất nhiều vị Danh nhân văn hóa đã tỏ lòng biết ơn đối các bà mẹ trong gia đình. Có người tỏ lòng biết ơn Mẹ Cả đã chăm bẵm cho mình thành tài mặc dù vị đó là con của Vợ lẽ của bố; có vị là con Mẹ Cả, nhưng người chăm bẵm để họ thành tài lại là vợ thứ của bố. Biểu hiện tình người như thế này không phải là văn hóa sao?
Tiếp thu văn hóa Châu Âu, xã hội ta hiện nay lên án hành vi này và kiên quyết giữ vững quan điểm “một vợ một chồng". Kết quả như thế nào chắc mọi người đã rõ. Cần nói thêm rằng: văn hóa Châu Âu trên danh nghĩa “một vợ một chồng”, nhưng không cấm người sống độc thân làm tình với rất nhiều người. Thực chất, người theo chủ nghĩa độc thân đó lại có rất nhiều vợ và rất nhiều chồng. Có những người đàn bà có rất nhiều con nhưng chưa hề lấy chồng. Ngoại tình là trở thành một biểu hiện “văn hóa” Âu - Mỹ. Trên danh nghĩa người Âu – Mỹ lên án ngoại tình, nhưng thực tế người lên án đĩnh đạc nhất lại là kẻ “ngoại tình thành Thần”. Những tác phẩm nghệ thuật mô tả các cuộc tình vụng trộm ly kỳ được nhiều người đọc nhất, mặc dù các tác phẩm đó không nhận được các giải thưởng nghệ thuật. Hiện tượng đó nói lên điều gì? Phải chăng loài người đang thích chơi trò chơi đạo đức giả trong lĩnh vực tình yêu; cái lĩnh vực tâm thần mà chính Lê Nin trong một buổi tối đang ngắm sao trời, Người đã thốt lên: “Tình yêu là điều kỳ diệu nhất của con người!"
Khi Tình chuyển sang một cung bậc mới cao cả hơn, được gọi là “Tình nghĩa Vợ Chồng”. Nếu khi yêu chỉ là cho, khi đã là Tình nghĩa Vợ Chồng thì cho luôn gắn liền với nhận. Đôi lứa nào không ý thức được điều căn bản này, cứ vô tư nhận mà không cho thì đôi lứa đó sẽ tan vỡ. Nếu diễn biến tình cảm nói trên xảy ra ở các lĩnh vực khác, như học thuật, võ thuật, thể thao và các nghề nghiệp thực dụng khác thì trạng thái tình cảm “khâm phục, “hâm mộ” sẽ hiện ra. Đối tượng được Yêu, được Kính phục lại dùng thủ đoạn gian trá để mê hoặc, quyến rũ, khi người bị mê hoặc nhận ra thủ đoạn gian trá đó thì toàn bộ niềm tin sập đổ. Sự ngưỡng vọng cao cả bao nhiêu thì sự thất vọng sẽ sụp đổ ê chề, nghiền nát “Thần Tượng“. Những kẻ giả trá leo cao thường bị ngã đau là như vậy. Sự mô tả như trên tuy còn rất thô sơ, cũng có thể được coi đó là “Quy luật Tình cảm của Con Người” theo quan niệm Y học Dân gian.
Y học Dân gian không có thói quen lập ngôn, “dựng Học thuyết” mà chỉ lặng lẽ thực hành tản mát ở từng Nhà, nên người đời gần như không biết tới có nền Y học thuần Việt hàng ngàn đời nay (không ít hơn 4000 năm).
Hiểu rõ “Quy luật của tình cảm Người” như vậy nên Y học dân gian chữa các bệnh về tâm thần (Trầm cảm, Điên) rất hiệu nghiệm. Vi rút HIV là con vi trùng do cấu trúc vỏ của nó rất dễ bị các tế bào thân kinh hút phải. Lang thuốc muốn chữa trị hội chứng HIV/ AIDS buộc phải có kiến thức “quê mùa” này. Dùng những biểu hiện “Tình” ở người khỏe mạnh làm chuẩn đo trạng thái tâm thần kinh của người bệnh là một “bí phương” của Gia Bảo nhà tôi. Cách diễn đạt còn quê mùa chắc chỉ gây cười cho các bậc Khoa Bảng, nhưng tôi chỉ “Sờ thấy đầu gối mới dám nói chân của mình là thật”. Dù có bị các vị Khoa Bảng cười chê đành phải chịu thôi. Khi một con người không còn nhu cầu tỏ tình, không còn khả năng thực hiện những cuộc tình mang tính người thì sự tồn tại đó giống như một cỗ máy sinh học thua kém cả các loài cầm thú.
Trung y coi Tinh, Khí, Thần là 3 thứ quý nhất (Tam Bảo) của sự sống. Nhưng khi xác định nguyên nhân gây bệnh trong cơ thể (Nội nhân) lại nêu ra 7 loại tình chí: Hỉ (vui mừng) thuộc tạng Tâm (tim); Nộ (giận dữ) thuộc Gan; Bi (buồn phiền) thuộc tạng phổi; Ưu (lo lắng) thuộc tạng tỳ (dạ dày); Tư (suy nghĩ) cũng thuộc dạ dày. Có lẽ căn cứ vào lý luận này của Trung y mà người đời nói là “nghĩ bụng” chăng? (Ngày nay nếu nghe nói: ”Con người tư duy bằng dạ dày“ thì đến con trẻ cũng cho là điên); Kinh (sợ sệt) thuộc tạng Thận; Khủng (hốt hoảng) cũng thuộc tạng Thận.
Trung y cổ truyền cho rằng 7 loại tình chí này thuộc về hoạt động tinh thần. Như vậy là Trung y cổ truyền cũng nhận ra hiện tượng “Tình” có quan hệ đến bệnh tật, nhưng nó đã lẫn lộn giữa Tinh và Tình. Ở một chỗ khác Trung y cổ truyền cho rằng Tinh là cơ sở vật chất của cơ thể. Khí và Thần đều do Tinh tạo ra. Tinh tiên thiên là bẩm tố của cha mẹ truyền lại qua các tế bào sinh dục. Tinh hậu thiên do tạng tỳ vận hóa từ thức ăn đồ uống. Như vậy là lý luận Trung y cổ đã tự mâu thuẫn. Khi xác định 7 loại tình chí gây bệnh, Trung y cổ đồng hóa Tinh và Tình với nhau và gọi đó là tinh thần, nhưng khi định nghĩa Tinh thì lại coi tinh là vật chất cụ thể. Có lẽ đây chỉ là những kiến thức “Hàn lâm” để các cơ quan Công quyền căn cứ vào đó xác minh tri thức khoa học y tế của người Lang Thuốc Gia truyền đến xin Giấy Chứng Nhân hành nghề chữa bệnh thôi.
Khái niệm “Tình” trong Y Việt cổ truyền là một tổng kết từ thực tế thể hiện bản chất của con người Việt. Người Việt rất trọng Tình. Người Việt muôn đời nay luôn nói vói nhau: Con người ta sống ở đời cốt giữ lấy cái tình, khi đã cạn tình thì không còn gì để nói nữa. Đối với người Việt, tình người là cao đẹp nhất, Có thể nói Tình Người là bản vị của dân tộc Việt.
Y học Dân gian luôn coi Tình Người là bản sắc của mỗi con người, nhưng cách tỏ tình lại rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Có những người khi cơ thể khỏe mạnh luôn tỏ rõ tình cảm của mình: Yêu, ghét, khinh bỉ, kính trọng… đều lộ rõ không che dấu, thậm chí còn cực đoan đến độ si mê; khi con người đó bị ốm nặng thì không còn biểu hiện tình cảm như trước nữa. Trái lại, có nghững con người, bình sinh rất mô phạm, che dấu tình cảm rất kín kẽ nghiêm ngặt; nhưng khi bị ốm thì trái lại tình cảm dấu kín đã bùng ra; Nếu biết mình sắp chết thì con người đó bình sinh cứng cỏi bao nhiêu, khi lâm chung lại dịu dàng tỏ rõ tình cảm, thậm chí còn rất yếu đuối nữa.
2.4. Khái niệm “Thần”.
Dân gian nước Việt coi “Thần” là biểu tượng của sự tài giỏi linh thiêng nhưng lại rất giống với “Người Bình Dân”: Làm thật, ăn thật, nói thật, và còn “đa dâm” nữa. Dân gian luôn nghĩ Thần không cao đạo như “Thánh”. Về ngôi thứ Thần đứng sau Thánh, nhưng Thần được người bình dân thích hơn Thánh. Người Việt bình dân luôn nghĩ mình có thể trở thành Thần, ít người có ham muốn trở thành Thánh. Để chứng minh phán đoán của mình là đúng đắn, nhưng người thân coi thường không nghe theo nên hỏng việc, liền chỉ trích: ”Tôi đã nói rồi, Nhân bảo như Thần bảo, không nghe, cho chết!“.
Y học dân gian cho rằng trong bất kỳ con người nào cũng có “chất Thần”. Chính vì lẽ đó nên đã dùng khái niệm “Thần” như một thước đo của các trạng thái “Tính, Khí, Tình”. Ta thường nghe dân gian nói “Thần Hồn nát Thần Tính” để chỉ ai đó sợ hãi tới mức không còn bình tĩnh để xử lý hiện tượng có lý trí. Để chỉ một hành vi của ai đó được coi là tuyệt vời Dân gian nói: thật “Thần Tình”. Người Sài Gòn chính gốc hay nói: ”Thiệt Tình...” để chỉ một cái gì đó không bình thường. Dân gian thường tỏ thái độ đối với một hiện tượng vừa như muốn chê bai lại vừa như thầm khen. Ví dụ, khi thấy một người đàn ông tài hoa, quyến rũ được nhiều đàn bà, Dân gian nói: Gã đó “Tán gái thành Thần”; “Nói dối thành Thần”. Nói dân tộc Việt là dân tộc có năng lực tư duy phức tạp bẩm sinh ngoài những căn cứ vào sự thể hiện trí tuệ cao cấp có giá trị lớn, còn căn cứ vào nhưng biểu hiện đời thường như thế nữa. Người nước ngoài học tiếng Việt rất cực nhọc, không phải tiếng Việt khó học; chỉ cần 15 ngày học thuộc 24 chữ cái, nhớ đủ 5 dấu trọng âm, biết ghép chữ thành vần là nói được tiếng Việt rồi. Nhưng để hiểu đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen thì phái nắm bắt cho được cái Thần của tiếng Việt là “ý tại ngôn ngoại”. Chỉ khi nào đạt trình độ đó Bạn mới có thể dùng tiếng Việt, để diễn đạt đúng tư duy của mình. Đạt trình độ đó, dù Bạn rất thông minh cũng mất ít nhất là 5 năm. Cái khó học đó chính vì tiếng Viêt là vỏ bọc tư duy phức tạp của người Việt. Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến thất bại của các “Đế quốc To” khi xâm lăng nước Việt là Nó không hiểu tiếng Việt. Bạn phải thận trọng khi sử dụng “Thông ngôn”; phải kiểm tra xem Quý vị nhận làm thông ngôn có đúng là chuyên gia Tiếng Việt không đã rồi hãy dùng.
Một con người khỏe mạnh, cái “chất Thần” đó luôn toát trong mọi cử chỉ, lời nói, cách ăn, lối mặc, gương mặt sảng sủa dù màu da rất đen; ánh mắt long lanh nhưng ấm áp, tình tứ, ý nhị. Sức khỏe giảm sút biểu hiện lộ rõ sự nhược Thần: sắc mặt u tối; ánh mắt dù vẫn long lanh nhưng sắc lạnh; cử chỉ phóng túng biểu hiện “bất cần Đời”. Thầy Lang Dân gian khi tiếp xúc đầu tiên với con bệnh trước hết phải ghi nhận biểu hiện cái gọi là “Thần thái”. Từ cảm nhận tình trạng của “Thần thái“ đã vạch ra hướng khám bệnh và trị bệnh. Kinh nghiệm thực tế đã khiến các ông Lang giỏi nghề, chỉ qua quan sát “Thần thái” đã có thể phán “khoảng 3 ngày nữa con người này sẽ chết”. Sự thật đã diễn ra đúng như vậy. Người đời thấy lạ nên sùng tín cho ông ta có khả năng “Thần giao cách cảm”. Dân gian nói: “Trông mặt mà bắt hình dong“ là như vậy.
Bốn mặt thể hiện của sự sống ở cơ thể người nói trên được Y học Dân gian dùng làm chuẩn mực để đối chiếu trong suốt quá trình khám bệnh và trị bệnh ở tất cả các loại bệnh, trong đó có bệnh nhiếm vi rut HIV gây hội chứng AIDS.
Còn tiếp ...