Con người đang tồn tại trên (trong) lớp vỏ trái đất. Lớp vỏ trái đất có 92 nguyên tố hóa học, hiện mới thấy 60 nguyên tố có các nguyên tử cấu thành phân tử sống, nhưng không phải tất cả 60 nguyên tố này đều có trong cơ thể người. Theo công bố của các nhà Sinh học hiện đại, người ta mới chỉ tìm thấy có hơn 30 nguyên tố cấu tạo nên cơ thể con người. Con người mang trong mình nó không đủ chủng loại vật chất đã có của vỏ trái đất thì mần răng là “Tiểu thiên địa“ được?!
Con người chỉ là sản phẩm của vũ trụ, nhưng đó là sản phẩm đặc biệt, bởi lẽ trong con người tích chứa tố chất chinh phục vũ tru. Tố chất kỳ diệu chinh phục cả vũ trụ tiềm ẩn trong cơ thể con người đó là gì? Đó là trí khôn bậc cao, gọi cho đúng nghĩa đó là sự thông minh. Bởi vì, có rất nhiều loài vật cũng có trí khôn, nhưng chúng không có sự thông minh. Thông minh là sản phẩm của tư duy chỉ loài người mới có; loài vật tinh khôn nhất như tinh tinh chẳng hạn cũng không biết tư duy. Một con chó rất tinh khôn, nhưng do không biết tư duy, nên nó đã trung thành tuyệt đối với ông chủ của nó, mặc dù ông chủ của con chó tinh khôn đó là một thằng đểu.
Sự sống của con người trên lớp vỏ trái đất không bao giờ đồng nhất với ngoại cảnh, như lý luận của Trung y cổ truyền. Sự sống là một quá trình thích nghi của cơ thể sống với ngoại cảnh. Kể cả khi con người ngồi trong con tàu thoát khỏi lực hút của trái đất để bay đến các địa chỉ khác nhau trong vũ trụ bao la đều luôn phải tuân theo quy luật thích nghi. Thích nghi là điều kiện bắt buộc để cơ thể sống của sinh vật tồn tại. Một sinh vật không còn khả năng thích nghi, sinh vật đó đã chết. Các sinh vật chỉ biết thích nghi bị động; riêng có con người ngoài bản năng sinh vật thích nghi bị động, nhờ biết tư duy nên còn biết thích nghi chủ động nữa. Con người sở dĩ được tôn vinh là chúa tể của muôn loài chính vì chỉ có con người mới biết thích nghi chủ động. Chỉ có con người mới nhận biết được rằng: “Vấn đề không chỉ là nhận thức thế giới mà là cải tạo thế giới“.
Lí luận Trung y cổ tự tin vì có nền triết học uyên thâm của Trung Hoa cổ hướng dẫn cho rằng đã “đọc” được Vũ Trụ rồi, thì “đọc” con người quá dễ. Chính vì lẽ đó nên toàn bộ những quan niệm về Vũ Trụ như thế nào, Trung y cổ mang chụp vào con người y như thế. Tiếc thay, Vũ Trụ theo quan niệm của người Trung Hoa cổ chỉ bao gồm những khái niệm trừu tượng mơ hồ, còn con người lại là một cơ thể sống hiện thực, được cấu tạo bằng vật chất cụ thể. Lấy cái trừu tượng để áp đặt vào cái cụ thể là phương pháp hành sử sai lầm. Ứng dụng triết học vào các ngành khoa học cụ thể luôn là một quyết định tiêu dùng rất khó khăn, bởi lẽ Triết học không phải là “món ăn liền”.
Trong tự nhiên, Con Người là một thực thể bí ẩn nhất, “khó đọc” nhất; bởi vì những điều Con Người nhận biết về Con Người được coi là hiện thực lại được cấu thành bởi những chuỗi hiện tượng bất định không rõ nguồn gốc “Từ đâu ra?”, buộc phải gọi tên là ”siêu thực”! (khái niệm siêu thực ở đây xin được hiều là cao hơn cả hiện thực chứ không phải là phi hiện thực). Khi đối diện với những hiện tượng siêu thực đó, chính con người phải tự thốt lên sự thán phục: “Chúa ơi! Không thể tin được!”.
Lấy một ví dụ: ”Ủy ban Giải thưởng Nobel đã quyết định trao giải Nobel về Hóa học 2006 cho GS Roger Kornbrg, Trường Đại học Y Stanford (Mỹ) do công trình nghiên cứu về nền tảng phân tử của sự phiên mã di truyền. Sự phiên mã thông tin di truyền – nằm trên thể nhiễm sắc – đến các phần của tế bào là một trong các giai đoạn chính của sự sống. Chỉ cần cơ chế này dừng lại, như trường hợp tác động của độc tố sản xuất bởi một số nấm độc, toàn bộ hệ thống tế bào sẽ bị ngưng. Cơ thể mất khả năng đổi mới protein, nên suy sụp và chết trong vài ngày.
GS Kornbegerg là người đầu tiên đã tạo được một ảnh thực sự, rất chính xác trình bày sự phiên mã di truyền đang lúc xảy ra ở các cơ thể có nhân (Eucaryotes).Trên ảnh này, thực hiện qua tia X, người ta thấy rõ tất cả các phân tử liên quan đến sự phiên mã di truyền như DNA xoắn kép mang thông tin di truyền, mạch RNAm (mạch RNA thông tin) vận chuển thông tin đến các “nhà máy sản xuất protein” của tế bào và cuối cùng RNA polymeraz, một enzym rất lớn có dạng một cuốn chỉ rối bời, có vai trò trung gian, đảm bảo sự phiên mã. RNA là trung gian giữa DNA và RNA”. (Trích nguyên văn Thông Báo của Tiến sĩ Phạm Văn Tất, đăng trên Tạp chí THUỐC & SỨC KHỎE, số 319, tháng 11/ 2006, tr.32).
Đọc “Bức ảnh” thấy những gì đang diễn ra trong tế bào động vật cao cấp, ngưòi ta rất thán phục sự uyên bác của Tây Y trước những câu hỏi: Chuyển hóa vật chất diễn ra trong cơ thể động vật “Như thế nào?”. Nhưng Tây Y vẫn không giải thích được “Tại sao chuyển hóa vật chất trong cơ thể lại diễn ra theo một “Kịch bản” như thế ?“. Câu trả lời chắc chắn có được của giới Thần học là: “GIỜI sinh ra thế“. Ngày nay, số người thực lòng tin vào cách giải thích của Thần học cổ điển như thế còn rất ít, mặc dù đang có tới 80% cư dân ở các quốc gia đang sinh hoạt trong rất nhiều Tôn Giáo khác nhau. Tôn giáo hiện đại khác xưa nhiều lắm. Nếu được chiếu dưới góc nhìn Y tế thì Tôn giáo hiện đại đang là một hiện tượng rất lí thú về chất lượng tư duy trừu tượng của con người ở vào thời kì con người đã chiến thắng được sức hút của Trái Đất. Y học Dân Gian nước Việt rất quý trọng Tôn Giáo; bởi lẽ, Tôn Giáo hiện đại không chỉ chứa trong mình nó niềm tin Thần Thánh cổ xưa mà còn là những giải pháp có hiệu quả để bồi dưỡng tính Người, chỉ vẽ cho con người lối đi về hướng thiện. Phải chăng các hành vi khi ta đi lễ ở Nhà Thờ, đi lễ Chùa; khi đọc kinh xám hối, xưng tội là liệu pháp xoa dịu thần kinh, cân bằng tâm thế, để chữa trị các chứng bệnh mà Tây Y gọi là Stress?
Lang Thuốc tôi cho rằng Tôn Giáo là một phát minh Y học vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng của Loài người. Nếu không có Tôn Giáo thì toàn Nhân Loại đã bị điên từ rất lâu rồi. Hiểu Tôn Giáo “thoáng“ như thế dễ nhận ra Thần Học là một khoa học diễn đạt Tôn Giáo, sẽ thấy cần kính trọng lĩnh vực trí tuệ này. Thần học đang có vị thế xã hội rất cao còn có một lí do quan trọng nữa đó là cách giải thích Thế Giới Tự Nhiên của các nhà khoa học cũng chưa có sức thuyết phục cao. Người ta có thể nói rằng kịch bản đang diễn ra trong ảnh chụp phiên mã di truyền là tuân theo quy luật sinh học. Nhưng, nói cho đầy đủ quy luật sinh học là những gì thì chưa ai dám khẳng định, bởi lẽ “phát hiện quy luật là vô cùng khó, đòi hỏi phải tiếp cận được với sáng tạo của Vũ Trụ vốn đã có trong lịch sử, trong khi sáng tạo Vũ Trụ không theo quy luật tuyến tính mà là quy luật bất toàn…” (TS. Vũ Gia Hiên: “Tìm hiểu quá trình tiến hóa vũ trụ và sinh giới, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2004).
Một nền Y học hiệu quả (chữa khỏi bệnh) tự nó toát ra ý nghĩa triết học. Từ cơ sở Y - Triết đó được vận dụng làm cho Y học tiến bộ, đó mới đích thực là biện chứng của tự nhiên. Mang một luận thuyết triết học có sẵn phủ lên thực tiễn y học, tất yếu sẽ dẫn tới chủ quan duy ý chí. Luận trị bệnh theo cách đó, Dân Gian nước Việt gọi là nói dựa.
Triết học Trung Hoa cổ thuộc dòng duy tâm chủ quan. Do dựa vào nền tảng triết học đó nên y lí của Trung y đưa ra những định đề võ đoán về tiến trình chuyển hóa vật chất trong cơ thể người qua các thuyết ÂM – DƯƠNG (Lưỡng nghi), NGŨ HÀNH (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Học thuyết Âm Dương ngũ hành được vận dụng làm nền tảng tư duy của Trung Y cổ, bao trùm từ lí luận đến thực hành, trong chuẩn đoán bệnh và chữa bệnh. Việc chế thuốc và dùng thuốc của Trung Y cũng theo Học thuyết Âm Dương. Tuy nhiên, Âm Dương ngũ hành trong lý luận Trung y tuy được nói tới lại hình thành trên nền móng của thứ “Triết học” đã bị dung tục hóa như một cơ chế vận hành máy móc mang đậm tính giáo điều duy tâm định mệnh. Bởi vì, lí luận chữa bệnh và chế thuốc của Trung y cổ truyền thực chất là sự minh họa cho học thuyết về tướng số; Chiêm tinh, phong thủy… Bắt đầu từ “Bát tự dự trắc” của Lý Hư Trung, đời Đường, đến Từ Tử Bình đời Tống. Hàm lượng trí tuệ triết học trong lý luận Trung y lấy trực tiếp từ phiên bản triết học của thuật bói toán của môn phái Dự trắc “Tứ đại Thiên vương”, bao gồm: “Tướng pháp”, “Chiêm tinh phong thủy học“, “Bát tự pháp”. Môn phái này Luận về Ngũ hành âm dương đối với cơ thể và dự trắc bệnh tật như sau:
"Trời có bốn mùa năm hành để sinh trưởng thu tàng, để sinh ra hàn thử táo thấp phong. Người có năm tạng hóa, năm khí để sinh ra vui mừng dận hờn, lo nghĩ buồn rầu, sợ hãi. Nói về hiện tượng tự nhiên thì lấy thời lệnh thay đổi làm khởi điểm, căn cứ các đặc điểm của thời lệnh phối hợp với ngũ hành như mùa xuân thuộc mộc, mùa hè thuộc hỏa, trưởng hạ thuộc thổ, mùa thu thuộc kim và mùa đông thuộc thủy. Do sự biến đổi của thời tiết mà sinh ra biến hóa về phong thử, thấp, táo, hàn và quá trình phát triển sinh, trưởng, hóa, thu, tàng của vạn vật. Vì thế chẳng những ngũ hành phối hợp với bốn mùa lại còn liên hệ đến năm khí, quá trình phát triển của sinh vật về phương diện khác có liên quan đến màu sắc hương vị…”
Học thuyết Âm Dương trong triết học Trung Hoa cổ uyên thâm, hàm xúc là thế, nhưng khi ứng dụng vào lý luận Trung y được gọi với tên là Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành đã bị tước hết ánh hào quang thông thái của nó. Lý luận Trung y đã diễn đạt như sau:
1. Những hiện tượng, như: sự tích tụ, trạng thái yên lặng, những gì thuộc về bên trong, tất cả những gì thuộc về phía dưới, đều thuộc về ÂM
2. Những hiện tượng: phân tán, hoạt động, những gì thuộc về bề ngoài, tất cả những gì thuộc về phía trên đều thuộc Dương.
Từ quy định đó, thuyết Âm Dương trong y học bệ nguyên xi cách diễn đạt khái quát trừu tượng của triết học để ứng dụng thực tế: Trời thuộc Dương, Đất thuộc Âm, nước thuộc Âm, lửa thuộc Dương, nghỉ ngơi thuộc Âm, hoạt động thuộc Dương, vị đắng thuộc Âm, vị cay thuộc Dương, nữ giới thuộc Âm, nam giới thuộc Dương, v.v…
Để vận dụng Âm - Dương vào Trung y cổ truyền phải thuộc cái gọi là “Quy luật Âm – Dương” biểu hiện ở 4 trạng thái sau đây:
1. Âm - Dương đối lập, mô tả mâu thuẫn chế ước lẫn nhau: Ngày và Đêm; Nóng và Lạnh; Sống và Chết; Khỏe và Yếu; Ấm và Mát. Sở dĩ phải viết hoa các trạng từ vì các trạng từ đó ở trong học thuyết này đã được nhân cách hóa như một danh phận.
2. Âm – Dương hỗ căn, cho rằng do cùng một cội nguồn, nên Âm Dương nương tựa giúp đỡ nhau, “Âm có trong Dương, Dương có trong Âm”. Do đó Âm thì phải thăng, Dương thì phải giáng.
3. Âm – Dương tiêu trưởng, nghĩa là khi Âm tiêu thì Dương trưởng và ngược lại: “Cực Âm tất Dương, cực Dương tất Âm”.
4. Âm – Dương bình hành, nghĩa là Âm và Dương cân bằng nhau, cùng tồn tại: “Âm - Dương bình hành trong sự tiêu trưởng; tiêu trưởng trong thế bình hành. Nếu sự cân bằng Âm - Dương bị phá vỡ thì sự vật sẽ tiêu vong”.
Đối diện với câu hỏi: Tại sao, lại quy Nữ giới vào cực Âm, còn Nam giới là cực Dương? Trung y không trả lời được. Những người có thân xác là đàn ông nhưng tâm hồn họ, cung cách biểu hiện tâm tư tình cảm của họ lại y hệt đàn bà; có người thân xác là đàn bà, nhưng cung cách biểu hiện tâm tư tình cảm lại mạnh mẽ như đàn ông (á Nam, á Nữ) thì xếp họ ở cực nào?
Để bổ xung cho thuyết Âm - Dương còn mù mờ, Trung Y dùng luôn thuyết “Ngũ Hành” của dòng triết học tướng số để làm rõ thêm cái gọi là “tiêu trưởng” trong thuyết Âm - Dương Y học.
Thuyết Ngũ Hành quy tất cả vật chất vào 5 nhóm: Mộc, Hỏa, Kim, Thủy; đồng thời cũng quy tất cả các bộ phận trong cơ thể người thành 5 nhóm đó là: Tạng, Phủ, Khiếu, Thể, Tính rồi lần lượt ghép vào “Ngũ Hành”. Để khoa trương khả năng “bao trùm Vũ Trụ”,Thuyết này còn quy cả Tự Nhiên thành 5 nhóm là: Mùa, Khí, Màu, Vị, Luật, Hướng rồi cũng ghép vào “Ngũ Hành”. Đó là “bộ khung” của Ngũ Hành. Còn nguyên lí hoạt động quy định như sau:
1. Khi ở thế cân bằng thì quan hệ giữa các nhóm là Tương sinh tương khắc:
Tương sinh là giúp đỡ, thúc đẩy phát triển theo hành tiến: Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ; Thổ sinh Kim; Kim sinh Thủy; Thủy sinh Mộc … cứ mãi thế mà luân hồi. Hành sinh gọi là Hành Mẹ, Hành được sinh gọi là Hành Con. Như vậy sẽ có: Mộc là mẹ của Hỏa, Hỏa là con của Mộc; Hỏa lại sinh Thổ, nên Hỏa là mẹ Thổ, Thổ là con của Hỏa; Thổ lại sinh Kim…, Kim là con của Thổ; Kim lại sinh Thủy…, Thủy là con của Kim. Nếu dừng ở một chu kì thì có vẻ là có lí. Song, sự chuyển hóa của vạn vật là “Thiên (nghìn) biến, vạn hóa. Nếu tiếp chu ky nối theo thì lòi ra cái vô nghĩa: Thủy lại sinh Mộc, Mộc lại sinh Hỏa … Cứ thế luân hồi Mẹ - Con; Con - Mẹ tùm lum, đưa tới nghịch lí là các chất luôn ở trong trạng thái vừa là Mẹ vừa là Con của chính mình. Người Việt Cổ đã “bình”rất hóm về cái thuyết ngũ hành này là: “sinh Con rồi mới sinh Cha, sinh Cháu giữa nhà rồi mới sinh Ông”.
Cái lôgic của Tương khắc còn đáng ngạc nhiên hơn nữa: Mộc khắc Thổ; Thổ khắc Thủy; Thủy khắc Hỏa; Hỏa khắc Kim; Kim khắc Mộc. “Khắc” được lí giải là kiềm chế. Khi nói “Sinh” là nói đến sự phát triển; mà bản chất của phát triển là sự kế thừa trong tuần tiến đến ngưỡng sâu sắc hơn, vững bền hơn cái trước nó, rồi “nhảy vọt” tạo nên chất mới và lượng mới. Cơ học lượng tử hiện đại gọi là nguyên lý bất định. Khoa học vật lý vũ trụ gọi là quy luật bất toàn. Vậy khi Mộc sinh ra Hỏa để Hỏa sinh ra Thổ là biểu hiện của dòng chảy phát triển, tại sao Mộc lại khắc Thổ, lại kiềm chế chính kết quả phát triển của nó? Câu trả lời là kiềm chế để không phát triển quá mức. Vậy “mức” là gì, lấy gì để kiềm chế? Dùng Thuốc ư? Rất mù mờ vì không có đủ chứng lí cụ thể minh họa, mà chỉ thông qua phán truyền chủ quan của Thầy chữa.
2. Khi ở thế mất cân bằng thì quan hệ giữa các nhóm là Tương thừa tương vũ: dùng để biện hộ cho cái gọi là “khắc” khi áp dụng vào thực tế không hiệu quả.
Ví dụ:
- Khi “khắc” quá mạnh, tức là kiềm chế quá mạnh tới mức làm cho tê liệt ngừng hoạt động thì được gọi tên là Ngũ hành tương thừa.
- Khi hành “Khắc” quá yếu khiến “Hành bị khắc” chống lại gọi tên là “ngũ hành tương vũ”.
Ngày nay, nếu đem đối chiếu với các thành tựu của các ngành khoa học Hóa - Lí - Sinh - Y học hiện đại thì thuyết Âm – Dương - Ngũ Hành của Trung y cổ đại, thực chất chỉ là sản phẩm của tư duy tư biện, hoang tưởng.
Trung y hiện đại đã nhận ra cái ngây thơ của lý thuyết cổ truyền, nên trong các tài liệu dạy Trung y ở bậc cao đẳng hiện đại, người ta không viện dẫn Âm Dương Ngũ Hành mơ hồ như cũ nữa mà đang có xu hướng dùng kiến thức Sinh – Hóa - Y học của Tây y để giải nghĩa các kinh nghiệm chữa bệnh cổ truyền của Trung y. Đây là một hướng phát triển y học hiện đại rất đúng đắn. Nhờ hướng phát triển này mà Trung y hiện đại đã thu được những kết quả rất đáng kính nể. Những tài liệu giảng dạy Trung y cổ truyền đang có hiện nay trở thành những kiến thức Y - Dược học vô cùng độc đáo thu hút được sự chú ý của toàn thế giới. Kinh nghiệm chữa bệnh cổ truyền của cộng đồng các dân tộc Trung Hoa là một kho báu về trí tuệ y học của Nhân Loại, bởi lẽ Đế Quốc Trung Hoa tồn tại nhiều nghìn năm, trí tuệ tự có của người Trung Hoa cộng với trí tuệ của các dân tộc mà Đế Quốc thu lượm được phong phú.
Còn tiếp ...